Cùng khám phá câu chuyện của An Trương – Associate Creative Director tại Vietcetera. Đồng thời là người dẫn chương trình podcast The Money Date và chịu trách nhiệm sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok của Vietcetera.

Điểm nhấn nổi bật nhất trong sự nghiệp làm sáng tạo của An phải chăng chính là The Money Date?

Ở Vietcetera, mọi người luôn muốn chuyển các series bài viết thành series podcast. The Money Date cũng vậy. Tiền thân của podcast The Money Date là một series tin bài phỏng vấn câu chuyện tiền bạc của những nhân vật đại diện cho từng ngành nghề trong xã hội. Công việc của An tại mùa 1 của The Money Date hoàn toàn ở phía hậu trường, xây dựng format cho chương trình, chuẩn bị nội dung và nghiên cứu khách mời.

Cho tới hết mùa 1, chương trình nghỉ một thời gian và quay trở lại với mùa 2 thì sếp mình – chị Thuỳ Minh (Nhà báo/ VJ) đặt câu hỏi: “Tại sao em không host?”. Thực tế, chị Minh đã hỏi mình câu này từ mùa 1 nhưng thời điểm ấy An chắc nịch: “Không, em không làm được”. Tuy nhiên, công việc hậu cần sau mùa 1 cũng khiến mình nhận ra phần lớn nội dung đều ở hết trong đầu mình, vậy tại sao mình không thử? Tại sao không nắm bắt cơ hội này? Và kể từ khi câu hỏi đó xuất hiện tới giờ, An đã thành host của chương trình The Money Date mùa 2.

Mình cảm thấy rất may mắn vì có mentor là chị Minh, chị nhìn thấy tiềm năng và trao niềm tin vào thứ “tiềm năng” đó của mình – một thứ mà chính mình còn không chắc chắn. Vậy nên cho tới hiện tại, mình không biết bản thân có làm tốt hay không nhưng chí ít mình đã có thêm rất nhiều trải nghiệm mới, góc nhìn mới cũng như cơ hội để trò chuyện cùng The Influencer hôm nay.

An đã nhận ra điều gì ở bản thân sau một khoảng thời gian host The Money Date?

Ngày trước mình đi du học ở Mỹ khoảng 10 năm nên khi về Việt Nam, mình… mất luôn khả năng nói chuyện mạch lạc, lưu loát bằng tiếng Việt (cười). Hơn nữa, khi ấy làn sóng lên án việc chêm tiếng Anh vào những câu tiếng Việt rất mạnh mẽ. Đó cũng là một trong những lý do ban đầu An nghĩ mình không thể trở thành host. Sau một thời gian được trò chuyện, phỏng vấn các khách mời, mình có cơ hội phát triển khả năng diễn đạt, giao tiếp bằng tiếng Việt nên về mặt tâm lý, An đã không còn lo lắng, sợ máy quay nữa.

The Money Date là một chương trình về tài chính, về tiền. Còn An là một người rất… ghét tiền (cười). Lý do khiến An “nhảy” khỏi ngành tài chính sau khi đã gắn bó 4 năm trời để “chạy” sang ngành sáng tạo là vì mình nhận ra: Mình không phải một người “máu chiến” với tiền, với tài chính. Thế nhưng người tính không bằng trời tính, chạy đi đâu mình vẫn không dứt khỏi chủ đề này (cười).

Tới The Money Date mùa 2, cách tiếp cận của An với chủ đề tiền bạc rất khác so với mùa 1. Những nhân vật mà An mời, những câu chuyện về tài chính An nói cùng những người đó rất khác. Bởi vì theo An, trong cuộc sống, mình tiếp xúc với tiền ở nhiều khía cạnh khác nhau, không nhất thiết phải đầu tư chứng khoán thì bạn mới hiểu về tiền.

Vậy chắc hẳn An có riêng một bộ tiêu chí khi lựa chọn khách mời cho The Money Date?

Thực sự mình không có bất cứ tiêu chí gì quá khắt khe, đặc biệt là với The Money Date. Chương trình vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khách mời như thế nào là phù hợp mà vẫn mang đến sự khác biệt qua từng tập. Bản thân An nghĩ rằng ai cũng có câu chuyện tài chính riêng và những cách tiếp xúc với tiền rất thú vị.

Vậy nên điều An muốn khai thác qua chương trình đó là mời những nhân vật làm công việc thú vị, tìm hiểu xem cách họ kiếm tiền bằng công việc đó như thế nào và một người làm công việc đó thì tính cách của họ liên quan đến tiền bạc ra sao. Liệu họ có thực sự “máu chiến” với tiền bạc không hay họ luôn giữ một tinh thần thoải mái với kinh tế? Họ có nhiều nguồn thu một lúc, họ trực tiếp làm việc liên quan đến tiền bạc hay họ xây dựng hình ảnh, sáng tạo nội dung rồi sau đó tiền sẽ đến một cách tự nhiên?

Và như mình chia sẻ phía trên, câu chuyện tiền bạc đến từ rất nhiều khía cạnh đời thường, đôi khi không cần thiết phải nói tới những vấn đề đao to búa lớn, đầu tư, chứng khoán, tài chính tự thân… mà chỉ là câu chuyện dạo gần đây mình tiêu rất nhiều tiền vào việc uống cà phê hoặc đi du lịch nên mình đã tự phải cân đối lại chi tiêu thế nào… Trước khi lên sóng, mình và các khách mời sẽ ngồi với nhau một buổi để cùng suy nghĩ xem sẽ nói chuyện như thế nào về tiền để phù hợp với công việc của nhân vật.

An đã bao giờ phải nâng lên đặt xuống tiêu chí về độ hot và sự thông thái, hiểu biết của nhân vật khi mời họ tới show The Money Date?

An coi hai tiêu chí này là hai tệp khách mời riêng biệt. Một tệp là những chuyên gia tài chính, họ sẽ truyền tải tới khán giả kiến thức mới về tài chính, tiền bạc. Tệp còn lại là những nhân vật không làm công việc liên quan trực tiếp đến tài chính nhưng cũng có thể nói chuyện về tiền, về những con số cụ thể liên quan đến ngành nghề của họ và cách họ quản lý chi tiêu, đầu tư trong cuộc sống. An nghĩ mình sẽ cố gắng cân bằng giữa hai tệp này để khán giả có thể nghe được nhiều câu chuyện thú vị hơn ngoài câu chuyện chuyên môn.

Có. Kể cả trong lúc phỏng vấn hay ở những cuộc hẹn với bạn bè, người thân, khi cuộc nói chuyện bắt đầu có chút… “im ắng” thôi là trong đầu mình đã nghĩ: “Thôi chết rồi, phải nói gì đây? Làm thế nào để lấp đầy khoảng trống im lặng này bây giờ?”. Có thể đó là một thói quen không tốt.

Trong một Talkshow, bạn có sợ Awkward silence (khoảng im lặng khó sử) không?

An nghĩ đôi khi trong cuộc trò chuyện, một chút “sự lặng im” sẽ giúp mình suy nghĩ thấu đáo hơn về những điều mình chia sẻ. Mình càng cố gắng lấp đầy khoảng im lặng thì mình sẽ càng nói những thứ không cần thiết, hơi thừa và làm cho cuộc hội thoại ấy gượng gạo hơn. Rất may mắn là những khách mời từng đến với The Money Date luôn “giúp” An giảm bớt áp lực trong việc phải nói gì hay hỏi gì tiếp theo, mọi người thường gợi cho mình một ý mới để khai thác hoặc hỏi lại mình tạo ra sự tương tác qua lại tự nhiên trong buổi trò chuyện.

Một thói quen An đã tạo ra trong cuộc sống để phục vụ cho công việc làm host của mình?

An thường xem các video phỏng vấn trên YouTube, nơi mà An coi là cánh cửa mở ra mọi nội dung. An cũng thích nghe podcast, bao gồm cả của Vietcetera và các chương trình khác. Kể từ khi tham gia The Money Date, An đã trở nên chú ý hơn đến các kỹ xảo, cách mà mọi người trò chuyện, phân tích nhân vật, và đặt câu hỏi. Đối với An, đó là một phần của công việc (cười). An thường xem và suy nghĩ về cách để học hỏi từ những người khác, hoặc những phần nào mà An cảm thấy cần phải học hỏi

Sau khi thành công sản xuất một tập Viral, An có áp lực phải tiếp tục sản xuất thêm nhiều video viral khác nữa? 

An không thích bị áp lực. Trong ngành sáng tạo, việc tạo ra nội dung viral luôn là một thách thức lớn cho mọi cá nhân và tổ chức. An không thể đo lường được các yếu tố hoặc thuật toán nào khiến nội dung trở nên viral. Những gì An có thể kiểm soát là nội dung cốt lõi và thông điệp mà An muốn gửi tới khán giả. So với các chương trình khác, The Money Date có thể còn nhỏ, nhưng An và đội ngũ của mình biết rằng họ đang đi đúng hướng và đam mê, nhiệt huyết của họ có thể thấy qua sản phẩm

Thay đổi rõ ràng nhất của bản thân khi An làm công việc này là gì?

An đã trở nên trân trọng hơn câu chuyện của mọi người. Trước đây, khi nghe về một vấn đề, An thường sẽ đưa ra lời khuyên, trả lời, cố gắng giúp đỡ. Nhưng bây giờ, An hiểu rằng, những gì mọi người thực sự cần khi tìm đến An có lẽ chỉ là việc An ngồi đó và lắng nghe. Đó cũng là điều mà An thấy mình đã thay đổi rõ ràng nhất sau khi làm công việc hiện tại

Cảm xúc của An có gì khác khi được phỏng vấn so với vị trí host thường ngày?

Với vai trò là host trong chương trình, An muốn talkshow của mình giống như một cuộc trò chuyện, một buổi tâm sự thật sự, dù An là người hỏi hay được hỏi. Điều khác biệt nhất có lẽ là An thường ít nói, nhưng khi được phỏng vấn, An nói nhiều hơn (cười). Tuy nhiên, An nghĩ rằng sự khác biệt chỉ nằm ở mặt chữ nghĩa mà An phải nói, còn về cảm xúc thì không có sự khác biệt

Khi ở vị trí của một người host chuyên nghiệp và phải đặt câu hỏi cho khách mời, An cảm thấy áp lực. Áp lực vô hình. Làm sao để hỏi cho đúng, không được hỏi linh tinh? Bây giờ muốn dẫn dắt, nói chuyện với họ như hai người bạn đã rất thân thiết thì phải làm thế nào? Ví dụ như tập talkshow của The Money Date với Creative Director Ben Phạm, nhiều khán giả bình luận rằng An và Ben có lẽ đã chơi với nhau từ lâu lắm rồi, cảm giác tập đó giống sự hội ngộ của hai người bạn cũ hơn. Để “chạm” đến được những khoảnh khắc như vậy, An và Ben đã trò chuyện cùng nhau rất lâu, đã đùa cợt với nhau rất vui rồi mới tới được những giây phút tâm sự sâu lắng như mọi người thấy trên chương trình.

Sự chuyển giao giữa công việc tài chính khô khan sang ngành sáng tạo nội dung đầy màu sắc, có lẽ An đã gặp không ít khó khăn không lường trước được? 

Công việc sáng tạo cần sự sáng tạo. Và những người làm sáng tạo chắc chắn sẽ coi trọng và muốn bảo vệ cái tôi trong những sản phẩm sáng tạo của họ. Điều này dẫn đến việc An dễ gặp xung đột, mâu thuẫn về cách nhìn, cách suy nghĩ khác nhau liên quan đến sự sáng tạo, về cái gì đúng, cái gì sai và về câu hỏi mà ai trong ngành này cũng nghĩ đến: “Nội dung này có hay không?”. Đấy là điều mà An phải đối diện hàng ngày, khiến cho sức sáng tạo của An bị mệt, kiệt sức

An làm trong một tổ chức, đôi khi An không biết rõ sự sáng tạo của mình nằm ở đâu, ở chỗ nào và đến cuối cùng nó có còn là sự sáng tạo của An nữa hay không. Đây là một khủng hoảng hiện sinh của tất cả những người làm trong ngành sáng tạo, trong một công ty hoặc một tổ chức chứ không chỉ là câu chuyện riêng của Vietcetera

Sau khi nhìn thấy mặt trái của công việc sáng tạo, An có nghĩ tới việc sẽ quay lại ngành tài chính?

An không nghĩ rằng khó khăn trong sáng tạo là một vấn đề. Lúc khó khăn nhất là lúc An sáng tạo nhất. Còn khi bạn làm sáng tạo mà thấy dập khuôn hay mọi thứ quá dễ dàng thì đây có thể là thứ nhiều người đã làm rồi hoặc An đã quen làm rồi và sự sáng tạo sẽ không còn nhiều trong đó nữa

Nhìn lại 4 năm làm việc trong ngành tài chính, An thấy biết ơn rất nhiều. Biết ơn vì 4 năm đó không phải là công cốc, không phải bỏ đi. Mối duyên cuối cùng với ngành tài chính lại là điểm khởi đầu cho một hành trình mới của An

An và ekip có đoán trước được rằng bạn sẽ trở nên nổi tiếng sau khi lên hình trên Vietcetera?

Nếu nói không nghĩ đến chuyện này thì đó là một lời nói dối. Tuy nhiên An cũng không nghĩ về việc này quá nhiều. An xuất hiện trên Vietcetera, đại diện cho Vietcetera đồng nghĩa với việc khuôn mặt An sẽ chềnh ềnh trên một nền tảng phổ biến với hàng trăm nghìn lượt đăng ký, theo dõi. Sau khi lên hình, An tăng thêm người theo dõi, tăng thêm độ nhận diện nhưng để nói là “nổi tiếng” thì thực sự An không nghĩ như thế

Chuyên ngành An theo học tại Mỹ có giúp ích cho bạn trong công việc hiện tại?

An học Khoa học, Chính trị và Kinh tế. Đây là một ngành học thuộc hệ thống Liberal Art ở Mỹ, một ngành học rất… tây. Ngày ấy An học đúng nghĩa vì thích và đam mê. Đến bây giờ An vẫn áp dụng được những kiến thức và kỹ năng đã học vào công việc và cuộc sống nhưng để làm đúng những gì An đam mê thì đó vẫn là một sự xa xỉ. Tuy vậy An vẫn rất biết ơn vì An có cơ hội được làm một công việc mà mỗi sáng đi làm An thấy hứng khởi, ra khỏi nhà An thấy trời xanh và cuộc sống tiếp diễn. Nhưng đây có phải công việc “true love” của An hay không thì phải thời gian mới trả lời được.

Công việc có thực sự là “true love”

An rất thích thể thao. Nhưng trở thành một vận động viên thể thao ở thời điểm hiện tại là một điều không thể. Có lẽ ở vũ trụ song song An mới có thể là một vận động viên được (cười)

So với thời điểm hiện tại, thời ông bà bố mẹ An kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, mọi người ưu tiên đi làm để có cuộc sống đủ đầy, tài chính vững vàng để xây dựng gia đình. Bây giờ ở Việt Nam, kinh tế – xã hội phát triển hơn rất nhiều, vậy thì khi ấy vấn đề xảy ra sẽ là gì? Đó là con người sẽ nhìn vào bên trong nhiều hơn, nhìn vào đam mê và những điều thuộc về cá nhân mình nhiều hơn, từ đó mới sinh ra mâu thuẫn giữa việc đi làm vì điều gì và bản thân có thích công việc này hay không. An cũng chưa có câu trả lời nào nhưng An nghĩ vấn đề này sẽ còn tồn tại rất lâu

Trong tương lai, anh muốn được mọi người nhìn nhận thế nào và trong vai trò gì?

An mong những người xung quanh có thể cảm thấy an yên khi ở bên cạnh An, khi theo dõi nội dung của An dưới bất kỳ vai trò nào: người lắng nghe, người tâm sự, người giúp đỡ, người cần được giúp,… đúng như cái tên của mình: An

An đã bắt đầu với Tiktok như thế nào?

Khi An mới khám phá TikTok, An cảm thấy rằng đó là một nền tảng rất cá nhân, tương tự như cảm giác khi bắt đầu sử dụng Instagram. An đã tạo một kênh và chia sẻ những khoảnh khắc hậu trường khi đi làm, đi quay tại Vietcetera. Ban đầu, An không nghĩ quá nhiều về tương lai, chỉ cảm thấy những trải nghiệm hàng ngày của mình sẽ thú vị và cá nhân nếu chia sẻ với mọi người.

Anh có định hướng lâu dài với Tiktok không? Trở thành người có sức ảnh hưởng trên nên tảng này chẳng hạn?

TikTok vẫn còn mới mẻ với An. Sau khi một video về chuyện uống cà phê trên kênh Vietcetera của An trở nên phổ biến, An quyết định thử đăng video đó lên kênh TikTok cá nhân. Và video đó trở nên phổ biến. An nhận thấy rằng khi thuật toán của TikTok nhận diện được nội dung và phong cách của một kênh, kênh đó sẽ phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, An vẫn chưa có định hướng cụ thể cho nền tảng này nên vẫn tiếp tục sử dụng các định dạng quen thuộc.

Trước đây, phần mô tả trên trang cá nhân TikTok của An là “sống chậm lại”, là một lời nhắc nhở cho chính bản thân An. An muốn chia sẻ thông điệp về việc sống chậm lại, tận hưởng những khoảnh khắc yên bình trong cuộc sống, ví dụ như việc đi bộ. Đi bộ giúp An tận hưởng cuộc sống chậm lại và quan sát xung quanh. Gần đây, An đặt mục tiêu cá nhân là mỗi ngày đi bộ ít nhất 10,000 bước. Đối với An, đó là thời gian An tìm thấy sự yên bình để tiếp tục công việc.

Một câu hỏi thú vị dành cho An: Nếu một ngày nào đó bạn lên hoang đảo vá không có ngày trở về, bạn sẽ mang theo cuốn sách nào?

An cũng thích viết và đang cố gắng duy trì việc viết nhật ký. An từng có thời kỳ viết nhật ký mỗi ngày, điều này giúp An quan tâm đến cách mọi người nghĩ về mình và muốn giao tiếp nhiều hơn. Hiện tại, An viết nhật ký để ghi chép những suy nghĩ cá nhân hơn là để tường thuật sự kiện.

Trước ngưỡng cửa tuổi 30, có áp lực nào khiến anh cảm thấy lo lắng?

Khi còn trẻ, An lo lắng nhiều khi nghĩ về tuổi 30, lo lắng về tương lai công việc và trải nghiệm mới. Tuy nhiên, bây giờ khi sắp bước sang tuổi 30, An cảm thấy háo hức hơn. Sau nhiều biến động, An đã hiểu rõ hơn về bản thân và cảm thấy tự tin hơn trong việc tìm kiếm sự ổn định và cân bằng trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Cảm ơn An vì đã dành thời gian quý báu để phỏng vấn An. Chúng tôi rất trân trọng cơ hội này và hy vọng sẽ có dịp làm việc cùng với anh trong tương lai. Xin gửi lời chúc chân thành và mong anh sẽ gật hái được nhiều thành công trên con đường sự nghiệp.

Share.
Exit mobile version